Hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2017

Trong hai ngày 28 và 29-12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát nhân dân năm 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN).

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Dự hội nghị, có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư.

 

Năm 2016, ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục đổi mới các mặt công tác, nhất là quản lý, chỉ đạo, điều hành; đã ban hành nhiều chỉ thị chuyên đề chỉ đạo sâu sát các lĩnh vực công tác; hoạt động, nghiệp vụ của ngành có chuyển biến tích cực. Trách nhiệm công tố được tăng cường, bảo đảm các quyết định phê chuẩn của viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật. Tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định của pháp luật ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên; các trường hợp oan, sai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử giảm 47,8% so với năm 2015.

 

Năm 2017, ngành kiểm sát tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính, như: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các đạo luật mới về tư pháp; đề cao trách nhiệm của viện trưởng kiểm sát nhân dân các cấp, thủ trưởng đơn vị...

 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, thành tích ngành kiểm sát nhân dân đạt được trong năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2017, các cơ quan tư pháp nói chung, ngành kiểm sát nói riêng sẽ triển khai thi hành sâu rộng nhiều quy định mới của pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Với vai trò là một thiết chế đặc trưng trong bộ máy nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân được đặt ra rất cấp bách.

 

Chủ tịch nước đề nghị, ngành kiểm sát tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác chính, như: Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm. Đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Thực hiện tốt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm không để người vô tội bị oan, không bỏ lọt tội phạm. Nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò của viện kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, kiến nghị, kháng nghị xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

 

Chủ tịch nước lưu ý, ngành kiểm sát cần tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các dự án luật khác.

 

Chủ tịch nước yêu cầu, ngành kiểm sát cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII). Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, điều tra viên; tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cải tiến lề lối làm việc, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm xảy ra.

 

Nguồn: Nhân Dân điện tử

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:7,843,180 lượt

Số người online:326 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn