Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/7/2025. So với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì lần sửa đổi Bộ luật hình sự này đã có nhiều điểm mới cơ bản về tội danh và hình phạt và các vấn đề khác có liên quan.

Thứ nhất, quy định về thi hành hình phạt tử hình theo Điều 40

Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2025 đã quy định 03 trường hợp không thi hành án tử hình. Trong đó, luật đã bỏ quy định không thi hành án tử hình theo điều c khoản 3 Điều 40 đối với trường hợp Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hi lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn và thay vào đó quy định mới là không thi hành án tử hình đối với “Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối”.
Đây là những quy định mang tính chất nhân đạo, nhân văn của pháp luật Xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nhân quyền đối với người bị bệnh khi hình phạt không còn giá trị răn đe khi người phạm tội đã cận kề cái chết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, không thi hành hình phạt tử hình cũng mang tính khuyến khích người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản chiếm đoạt và hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng và yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm trong tình hình mới.  

Thứ hai, quy định về Bắt buộc chữa bệnh theo Điều 49

 

- Khoản 2 và khoản 3 Điều 49 có sửa đổi, bổ sung mới về quy định đưa người phạm tội bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi vào “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bắt buộc chữa bệnh” so với quy định đưa vào “cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh” như trước đây.
Đây là sửa đổi kỹ thuật lập pháp, song có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Việc thay đổi cụm từ từ “cơ sở điều trị chuyên khoa” sang “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Luật Thi hành án hình sự. Theo các luật này, thuật ngữ “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” là thuật ngữ pháp lý chuẩn xác, có tính bao quát và pháp lý rõ ràng hơn. Quy định này cũng nhằm khắc phục sự bất cập trước đây khi “cơ sở điều trị chuyên khoa” không được định nghĩa rõ ràng, dẫn tới vướng mắc trong áp dụng thực tiễn. Quy định này cũng mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đặc biệt ở các địa phương chưa có cơ sở chuyên khoa tâm thần độc lập.
- Bổ sung quy định để xác định tình trạng khỏi bệnh phải bằng kết luận cụ thể: “kết luận khỏi bệnh”, “kết luận đủ khả năng nhận thức, đủ khả năng điều khiển hành vi” thay vì quy định chung chung “khỏi bệnh” so với trước đây.
Quy định mới này nhằm chuẩn hóa thủ tục pháp lý và làm rõ tiêu chí để chấm dứt biện pháp chữa bệnh bắt buộc, từng gây ra nhiều khó khăn trong áp dụng thực tiễn: Trước đây, việc xác định “khỏi bệnh” dễ mang tính cảm tính, thiếu căn cứ y khoa, dẫn đến các hậu quả pháp lý không thống nhất. Với quy định mới, phải kết luận y khoa bằng văn bản cụ thể sẽ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng có thể thuận lợi hơn trong việc xác định chấm dứt hay kéo dài biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc sẽ có quyết định việc phục hồi điều tra, truy tố, xét xử. Quy định mới này cũng nhằm đảm bảo xử lý đúng người phạm tội khi họ đã có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, quy định về Miễn chấp hành hình phạt theo Điều 62. 

Sửa đổi quy định tại khoản 6, theo đó cơ quan đề nghị Tòa án miễn chấp hành phần hình phạt còn lại là “Cơ quan có thẩm quyền” so với chủ thể là “Cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người chấp hành hình phạt” như trước đây.

 

Quy định mới này thể hiện sự phù hợp với tổ chức Cơ quan thi hành án hình sự theo quy định của Luật Công an nhân dân và việc tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, việc quy định mở về chủ thể có quyền đề nghị Tòa án miễn chấp hành phần hình phạt còn lại mang tính phù hợp và bao quát bởi vị ngoài cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân thì còn có cơ quan thi hành án trong Quân đội nhân dân và một số chủ thể có thẩm quyền khác.

- Bổ sung quy định được giảm mức hình phạt đã tuyên vào khoản 1 Điều này đối với trường hợp “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

 

Đây là quy định mới, đánh dấu sự thay đổi trong chính sách xử lý tội phạm tham nhũng vốn là nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Điều này thể hiện sự cân bằng giữa nghiêm trị và nhân đạo có điều kiện. Với quy định mới này, người bị kết án tù chung thân về tham ô hoặc nhận hối lộ không thể được xét giảm án nếu không nộp lại ít nhất ¾ tài sản đã chiếm đoạt. Đồng thời, việc nộp tài sản phải đi kèm hành vi hợp tác hoặc lập công lớn, tạo thành hai điều kiện bắt buộc. Quy định này nhằm khuyến khích thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả cho Nhà nước và được xem là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thực.
- Bổ sung quy định về thời gian đã chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp không thi hành hình phạt tử hình để xét giảm thành tù có thời hạn cho cả 02 trường hợp mới là Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.”
Quy định mới này đã bổ sung 02 trường hợp không bị thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự sửa đổi, từ đó kéo theo việc cần xác định thời điểm tính án tù có thời hạn khi có đủ điều kiện chuyển hình phạt. Đây là một điều chỉnh hợp lý, đầy tính nhân đạo, đồng thời chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp. 

Thứ năm, quy định về bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh.

 

Luật đã sửa đổi, bổ sung việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh được quy định tại các điều khoản cụ thể:
- Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 109);
- Gián điệp (khoản 1 Điều 110);
- Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 114);
- Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (khoản 4 Điều 194);
- Vận chuyển trái phép chất ma túy (khoản 4 Điều 250);
- Tham ô tài sản (khoản 4 Điều 353);
- Nhận hối lộ (khoản 4 Điều 354).
- Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (khoản Điều 421)
Quy định mới về bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh nêu trên là sự tiếp nối chủ trương hạn chế áp dụng và tiến tới bỏ án tử hình đối với một số loại tội phạm, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp của Việt Nan trong giai đoạn mới, trong đó xác định “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình”, chỉ áp dụng với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, quy định mới này cũng phù hợp với Xu hướng nhân đạo hóa của pháp luật hình sự quốc tế, theo đó tử hình chỉ nên giữ lại cho các tội phạm nguy hiểm nhất. Với quy định mới này, Bộ luật Hình sự đã giảm 08/18 tội danh có hình phạt tử hình, giảm 44,44% so với quy định trước đây.
 

Thứ sáu, bổ sung tội danh mới đối với tội sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 256a.

 

Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2025 đã bổ sung Tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a) theo hướng chỉ xử lý những người đang trong quá trình cai nghiện hoặc vừa kết thức quá trình cai nghiện ma túy mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, nhằm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tăng hiệu quả quản lý. Đây là một bước ngoặt trong chính sách hình sự, khi lần đầu tiên hành vi sử dụng ma túy trái phép không còn chỉ bị xử lý hành chính mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu thỏa mãn các điều kiện luật định như sau:
- Đang trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
- Đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
- Đang trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hết thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy và trong thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy;
- Đang trong thời hạn 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
 

Thứ bảy, nâng mức hình phạt tiền đối với các tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng

 

Theo đó, luật sửa đổi theo hướng tăng gấp đôi hình phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, pháp nhân phạm tội ở các tội danh so với với trước đây, cụ thể: 

Nhóm tội về hàng giả, thuốc giả, thực phẩm giả (Điều 192 – 195)

 

- Khoản 1, 4 và 5 Điều 192 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
- Khoản 5 và khoản 6 Điều 193 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
- Các khoản 4, 5 và 6 Điều 194 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
- Các khoản 1, 5 và 6 Điều 195 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi. 

Nhóm tội về môi trường, tài nguyên, động vật hoang dã(Điều 235 – 246)

 

- Các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 235 Tội gây ô nhiễm môi trường
- Các khoản 1, 2 và 4 Điều 236 Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại
- Các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 237 Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
- Các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 238 Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông
- Các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 239 Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam 

Nhóm tội về an toàn thực phẩm, dịch bệnh (Điều 240 – 241, 317)

 

- Khoản 1 và khoản 4 Điều 240 Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
- Khoản 1 và khoản 4 Điều 241 Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật
- Các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 242 Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
- Các khoản 1, 4 và 5 Điều 243 Tội hủy hoại rừng
- Các khoản 1, 4 và 5 Điều 244 Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
- Các khoản 1, 3 và 4 Điều 245 Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên
- Các khoản 1, 3 và 4 Điều 246 Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại
- Các khoản 1, 2 và 5 Điều 317 Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 
Nhóm tội về tham nhũng, chức vụ(Điều 353 – 359)

 

- Khoản 5 Điều 353 Tội tham ô tài sản
- Khoản 5 Điều 354 Tội nhận hối lộ
- Khoản 5 Điều 355 Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
- Khoản 4 Điều 356 Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
- Khoản 5 Điều 357 Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
- Khoản 5 Điều 358 Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi
- Khoản 5 Điều 359 Tội giả mạo trong công tác
Đây là quy định mới nhằm đa dạng hóa các hình phạt và chuyển từ trừng trị bằng hình phạt có tính chất cưỡng chế sang răn đe vật chất, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa hình phạt. Việc tăng gấp đôi mức phạt tiền ở cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung không chỉ đơn thuần là nâng mức trừng phạt, mà còn là sự điều chỉnh chính sách theo hướng bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa hiệu quả hơn, nhất là với tội phạm về kinh tế, môi trường và chức vụ vốn thường thực hiện có tính toán, nhằm trục lợi và tăng khả năng thu hồi tài sản phi pháp, đặc biệt quan trọng trong các tội tham nhũng, làm hàng giả, tội phạm môi trường là những tội gây thiệt hại về vật chất tạo ra hệ lụy xã hội rất lớn. 

Thứ tám, sửa đổi khung hình phạt và quy định khung hình phạt mới đối với một số tội danh

 

- Đối với tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo Điều 235.
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 235 từ 02 năm đến 03 năm so với mức phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm so với trước đây.
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 2 Điều 235 từ 03 năm đến 05 năm so với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm so với trước đây.
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 3 Điều 235 từ 05 năm đến 07 năm so với mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm so với trước đây.
- Đối với tội “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” theo Điều 236.
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 236 từ 02 năm đến 03 năm so với mức phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm so với trước đây.
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 2 Điều 236 từ 03 năm đến 05 năm so với mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm so với trước đây.
- Đối với tội “Sản xuất trái phép chất ma túy” theo Điều 248
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 248 từ 03 năm đến 07 năm so với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm so với trước đây.
+ Bỏ hình phạt tử hình và thay đổi các định lượng các chất ma túy để xác định khung hình phat theo quy định tại khoản 4 có nhiều điểm mới so với trước đây.
+ Quy định khung hình phạt mới tại khoản 5 với hình phạt chung thân, tử hình và định lượng các chất ma túy để xác định khung hình phạt.
- Đối với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Điều 249
Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 249 từ 03 năm đến 05 năm so với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm so với trước đây.
- Đối với tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo Điều 250
Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 250 từ 03 năm đến 07 năm so với mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm so với trước đây.
- Đối với tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251
+ Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 251 từ 03 năm đến 07 năm so với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm so với trước đây.
+ Bỏ hình phạt tử hình và thay đổi các định lượng các chất ma túy để xác định khung hình phat theo quy định tại khoản 4 có nhiều điểm mới so với trước đây.
+ Quy định khung hình phạt mới tại khoản 5 với hình phạt chung thân, tử hình và định lượng các chất ma túy để xác định khung hình phạt.
- Đối với tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 255
Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 255 từ 03 năm đến 07 năm so với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm so với trước đây.
- Đối với tội “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317
Tăng hình mức phạt tù theo khoản 1 Điều 255 từ 02 năm đến 05 năm so với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm so với trước đây.
Đây là những nội dung trọng tâm của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2025 nhằm điều chỉnh, nâng khung hình phạt và bổ sung khung hình phạt mới đối với một số nhóm tội phạm có tính chất nghiêm trọng, gây nguy hại cao cho xã hội. Những thay đổi này phản ánh sự tăng cường răn đe, phân hóa hình phạt rõ ràng hơn, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh, xử lý tội phạm hiện nay.  

Thứ chín, sửa đổi quy định liên quan đến chủ thể mới

 

- Sửa đổi chủ thể chỉ còn là “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”là người có thẩm quyền công bố dịch đối với tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 241 so với chủ thể là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như trước đây.
- Sửa đổi chủ thể “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường”là người có thẩm quyền công bố dịch đối với tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 241 so với chủ thể là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” như trước đây.
Đây là quy định mới nhằm thực hiện đúng thẩm quyền, phù hợp trong bối cảnh của chính quyền địa phương 02 cấp trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với tên gọi của cơ quan cấp bộ thuộc Chính phủ sau khi đã hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy./.
Tiến Lực – Viện KSND khu vực 1

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:10,305,986 lượt

Số người online:4,537 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_gialai@vks.gov.vn