Viện KSND huyện An Lão làm tốt công tác trợ giúp pháp lý trong Tố tụng hình sự

Trong năm 2017 và 09 tháng đầu năm 2018, Viện KSND huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã thụ lý giải quyết 25 vụ án hình sự với 35 bị can, nhưng có đến 27 bị can (tỷ lệ 77,1%) được trợ giúp pháp lý.

 

Trợ giúp pháp lý, một chính sách xã hội hết sức nhân văn của chế độ ta, hoạt động này giúp cho những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…) có được chỗ dựa pháp lý vững chắc khi tham gia vào các quan hệ tố tụng. Song, để các đối tượng thụ hưởng chính sách này được thực hiện trong thực tiễn, qua đó đưa Luật Trợ giúp pháp lý vào đời sống, không phải là vấn đề đơn giản.

 

Những năm trước đây, nhiều lần đi kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) tôi thấy số lượng người được trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự còn rất ít, chủ yếu là người chưa thành niên (đối tượng bắc buộc phải có người bào chữa). Nhiều trường hợp bị can là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo nhưng lại từ chối được TGPL vì lý do đủ khả năng để tự bào chữa. Khi gặp những trường hợp này, chúng tôi luôn băn khoăn liệu có phải họ có đủ khả năng tự bào chữa cho mình thực sự không. Hay do công tác tuyên truyền, giải thích của Kiểm sát viên, điều tra viên chưa đúng mức, nên họ chưa hiểu đúng về chính sách này và đã từ chối (?) Câu hỏi này đã được giải đáp trong đợt kiểm tra lần này tại Cơ quan CSĐT và Viện KSND  huyện An Lão. Trong 35 bị can bị khởi tố đã có đến 27 bị can thuộc diện trợ giúp pháp lý (hộ nghèo, người dân tộc thiểu số) được Kiểm sát viên phối hợp cùng điều tra viên giải thích về quyền trợ giúp pháp lý và họ có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đồng chí Nguyễn Văn Hoa, Viện trưởng Viện KSND huyện An Lão, cho biết: Có thể do trước đây, kiểm sát viên, điều tra viên chưa giải thích rõ về chính sách TGPL nên đối tượng thụ hưởng đã từ chối. Thời gian gần đây, Viện KSND huyện An Lão và Cơ quan CSĐT Công an huyện An Lão đã quan tâm đúng đến công tác này. Khi thụ lý hồ sơ, kiểm sát viên và điều tra viên luôn kiểm tra, rà soát một cách kỹ lưỡng xem bị can có thuộc đối tượng TGPL hay không; nếu thuộc diện TGPL thì giải thích tận tình, đồng thời chủ động thông tin đến Chi nhánh TGPL để liên hệ với đối tượng và tư vấn về TGPL.

 

Qua trao đổi với chị Đinh Thị N, một đối tượng được hưởng chính sách TGPL, cho biết: “Trước đây, tôi không hiểu gì về chính sách TGPL, nhưng khi bị khởi tố hình sự, được điều tra viên giải thích tôi mới biết đây là chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước, không thu tiền của người dân và giúp cho người dân không bị xử lý oan, sai. Vì vậy, tôi đã tự tin hơn và sẽ phổ biến cho nhiều người cùng biết về chính sách này”.

 

Thực tiễn cho thấy, để đưa một đạo luật vào thực tiễn cuộc sống là một vấn đề không đơn giản. Và nó sẽ càng khó thực hiện nếu công chức, người thực thi nhiệm vụ không có tâm, thiếu trách nhiệm. Trong việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý cũng vậy, nhờ sự tận tâm, có trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng chính sách này mới được triển khai đầy đủ trong thực tiễn, qua đó góp phần xây dựng một nền tư pháp công khai, minh bạch, dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

 

Thái Văn Mừng

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,766,704 lượt

Số người online:1,744 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn