Phạm tội hai lần trở lên là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS), nên hiện nay trong thực tế áp dụng vẫn còn vướng mắc, bất cập. Do đó, cần trao đổi để tránh xảy ra oan sai hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Nội dung vụ án:
Đêm ngày 01/3/2018 Nguyễn Văn C đang đi chơi về thì bị một người từ trong bụi rậm xông ra đánh vào mặt C bị thương tích rồi bỏ chạy, C được người dân ở gần đưa đến Bệnh viên huyện X, tỉnh M cấp cứu và điều trị từ ngày 01/3/2018 đến ngày 07/3/2018 thì xuất viện, vì đánh trong đêm tối nên C không biết ai đánh. C làm đơn báo cáo vụ việc cho Cơ quan điều tra công an huyện X, tỉnh M. Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác minh thông tin ban đầu và truy tìm thủ phạm.
Ngày 20/6/2019, Trần Văn A dùng cây gỗ 4cm x 4 cm x 0,7m đánh Phan Văn H bị thương tích, tỷ lệ thương tật 8%, nên A bị Cơ quan điều tra công an huyện X khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS. Trong quá trình điều tra A tự nhận đêm 01/3/2018 vì mâu thuẫn với C nên thấy C đi một mình trên đường, A đã dùng tay đánh A bị thương tích rồi bỏ chạy. Kết quả giám định tỷ lệ thương tật của C là 14%.
Trong quá trình điều tra A đã ăn năn, hối cãi, tự nguyện khắc phục hậu quả nên C và H nên C và H tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với A.
Căn cứ theo đơn rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của C và H Cơ quan điều tra công an huyện X đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với A theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS).
Sau khi vụ án đình chỉ điều tra thì có 2 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của A theo khoản 1 Điều 134 BLHS nên thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS, trong trường hợp này giữa A với C và H có sự thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho bị hại và C, H đã tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với A, không có ai ép buộc, nên Cơ quan điều tra công an huyện X đình chỉ điều tra đối với A theo quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ”, là tuân thủ đúng quy định của BLTTHS.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, Cơ quan điều tra công an huyện X đình chỉ điều tra đối với bị can A là trái quy định của pháp luật; bởi vì A phạm tội cố ý gây thương tích 2 lần. Tuy A bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích đối với lần phạm tội với H (8%) vào ngày 20/6/2019 nhưng trong quá trình mở rộng điều tra A lại khai nhận đêm ngày 01/3/2018 A còn gây thương tích cho C (14%). Hai lần A cố ý gây thương tích đối với C và H đều đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS, nên A phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết phạm 2 lần trở lên, tức là A phạm tội theo điểm c khoản 2 Điều 134 BLHS, chứ không phải A phạm tội theo khoản 1 Điều 134 BLHS.
Như vậy, Cơ quan điều tra công an huyện X áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết” và khoản 2 Điều 155 BLTTHS: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ” để đình chỉ điều tra đối với A là trái quy định của pháp luật, vì A phạm tội 2 lần theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 134 BLHS, nên tuy C và H rút đơn yêu cầu khởi tố nhưng vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A, về tội cố ý gây thương tích theo điểm c khoản 2 Điều 134 BLHS.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc./.
Thanh Nghị